Lụa Hà Đông - Nét tinh túy mãi được lưu truyền

LỤA HÀ ĐÔNG – LÀNG NGHỀ DỆT LỤA NỔI TIẾNG TỪ THỜI XA XƯA

Làng lụa Hà Đông còn được gọi là làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Từ nơi tôi ở đi đến Hà Đông chỉ mất khoảng 30 phút chạy xe. Ngay khi đặt chân đến nơi đây, tôi đã cảm nhận được không khí mua bán diễn ra nhộn nhịp và tấp nập với màu sắc sặc sỡ của những xấp vải lụa đẹp đẽ đang bày trong các cửa hiệu kia.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những xấp lụa làm say đắm lòng người

Tiến vào thêm nữa, ta dễ dàng nghe thấy tiếng lách cách của những khung dệt cơ khí hiện đại xen lẫn với những khung dệt cổ vẫn được một số gia đình giữ lại. Tôi tìm hiểu và ghé thăm xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh – một nghệ nhân dệt lụa có tiếng trong làng. Cuộc đời ông gắn bó với nghề ươm tơ, dệt lụa từ khi còn là một cậu bé tuổi mười chín đôi mươi đến giờ khi đã bước sang tuổi 75. Trước mắt tôi bây giờ chỉ là một ông cụ ngoài 75 tuổi với đôi mắt đã mờ và những nếp nhăn gợn sóng trên khuôn mặt đầy nhân hậu. Thế nhưng, khi được hỏi về nghề dệt lụa ở Vạn Phúc thì gương mặt của ông trở nên sáng bừng lên và toát lên thần sắc của một nghệ nhân dệt lụa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khung dệt lụa truyền thống vẫn được lưu giữ ở một số gia đình

Ông chia sẻ: Nghề dệt lụa ở Việt Nam có ở rất nhiều nơi nhưng không thể không nhắc đến lụa Vạn Phúc. Ở triều Nguyễn, lụa Vạn Phúc còn là một vật phẩm tiến cúng cho triều đình để may quốc phục cho hoàng triều. Sang thời kỳ Pháp thuộc, lụa Hà Đông còn được mang ra hội chợ kinh tế ở Pháp. Đến nay, sau nhiều biến cố thăng trầm lịch sử, ngôi làng ít nhiều cũng có sự đổi thay nhưng những giá trị truyền thống của nghề dệt lụa vẫn còn mãi lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong làng”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nét đặc trưng của lụa Hà Đông vẫn được lưu truyền đến ngày nay

 LỤA HÀ ĐÔNG – NÉT TINH TÚY TRONG TỪNG TẤM LỤA

Sau cuộc trò chuyện, ông Chỉnh đưa tôi đi tham quan xưởng dệt lụa của gia đình ông. Khi được tận mắt chứng kiến quá trình làm nên những tấm lụa Hà Đông mềm mại tôi mới thực sự cảm nhận được hết nét tinh túy cũng như giá trị của tấm lụa nơi đây.

Để có được những tấm lụa hoàn hảo nhất thì phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, từ trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ, hồ sợi cho đến lúc dệt, nhuộm, căng phơi. Ngay từ khâu ươm tơ, người thợ phải chọn sợi, đẽo sợi để đảm bảo sợi tơ bóng nhắn, không bị sùi lông. Sau khi tơ, người thợ sẽ pha thêm sáp ong vào để hồ sợi, đồng thời sử dụng bí quyết riêng của mình để sợi sau khi hồ không chỉ dai, dẻo mà còn phải bóng. Đến công đoạn dệt lụa thì tùy vào từng loại lụa khác nhau, người thợ sẽ áp dụng những kỹ thuật dệt khác nhau.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những sợi tơ được chọn lựa kỹ càng nhất để làm nên những tấm lụa đẹp nhất

Trong các loại lụa Hà Đông thì nổi tiếng nhất vẫn là lụa Vân – một loại lụa cổ truyền tưởng như đã thất truyền nếu không có sự khôi phục của các nghệ nhân trong làng. Vân có nghĩa là mây, lụa Vân có nghĩa là nhìn trên lụa như thấy có mây. Loại lụa này có hoa nổi bóng mịn trên bề mặt lụa hoặc loại hoa chìm chỉ thấy được khi ra chỗ sáng. Để dệt được lụa Vân thì người dệt lụa cần phải có đôi bàn tay khéo léo, tinh đời và một kỹ thuật tinh tế mà chỉ có làng Vạn Phúc mới có thể dệt được.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoa văn tinh tế và sắc sảo trên lụa Hà Đông

Ngày nay, dù trải qua bao thăng trầm đổi thay nhưng lụa Hà Đông vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền, những thủ pháp nghệ thuật truyền thống trên từng thớ vải, vân lụa để tạo nên những tấm lụa đẹp nhất tinh tế nhất. Bởi thế mà lụa Hà Đông dù là loại nào thì cũng đạt tới mức độ hoàn mỹ, mềm mại, óng mượt, đường nét tinh tế khi chìm khi nổi. Nét đặc trưng đó không chỉ giúp cho lụa Hà Đông xây dựng được vị thế của mình ở trong nước mà còn vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam để đến tận tay những người sành điệu khắp bốn phương. Nét độc đáo và đặc sắc của lụa Hà Đông còn được thể hiện qua hoa văn trên các tấm lụa. Các hoa văn trên lụa Hà Đông luôn được luôn được trang trí đối xứng với những đường nét không quá rườm rà, phức tạp tạo cảm giác tinh tế cho từng tấm vải.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những dải lụa dài được phơi tại hộ gia đình hoặc đem ra bãi đất trống

Từ trung tâm Hà Nội chỉ mất vài chục phút chạy xe là bạn có thể đặt chân đến ngôi làng nổi tiếng Vạn Phúc này và có những trải nghiệm thú vị về nghề dệt lụa nơi đây. Con người làng Vạn Phúc luôn sẵn sàng chào đón bạn khám phá và tìm hiểu hơn về nghề truyền thống cũng như mang về cho mình một vài tấm lụa xinh xinh chất chứa hồn người nghệ nhân dệt làng Vạn Phúc!

                                                                                                                                            Nguồn: Guuvivu

CÁC BÀI VIẾT NỔI BẬT

Các sản phẩm đặc biệt