Làng lụa Vạn Phúc nhận kỷ lục làng nghề lâu đời nhất Việt Nam

Ngôi làng có tuổi nghề 1.000 năm này đã được công nhận là "Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay"

 
Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao quyết định này theo giấy xác lập kỷ lục chính thức từ ngày 14/2/2014, quyết định công nhận kỷ lục Việt Nam “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay" đã diễn ra tại đình làng Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông. 

Lụa Vạn Phúc nổi tiếng với tuổi nghề hơn 1.000 năm, sự mượt mà, hoa văn, mẫu mã phong phú. Thuở trước, loại lụa này được chọn để may quốc phục cho các vua nhà Nguyễn. Trong hội chợ tại Paris (năm 1932), lụa Vạn Phúc được người Pháp đánh giá là Đệ nhất tinh xảo của vùng Đông Dương.

lua-van-phuc-3a-3173-1394789936.jpg

Lụa Vạn Phúc nổi tiếng với chất vải mềm mại, hoa văn phong phú, nhiều màu sắc và tuổi nghề hàng nghìn năm.

Ảnh: Cổng thông tin quận Hà Đông.

Từ năm 1958, lụa Vạn Phúc được xuất sang các nước Đông Âu rồi nhiều quốc gia trên thế giới, thu ngoại tệ về cho Việt Nam. Hằng năm làng lụa này sản xuất được trên 2 triệu mét vải Vân, Sa, Quế, Lụa... Sản phẩm được bày bán tập trung tại 150 quầy hàng thuộc 3 dãy phố phường Vạn Phúc, Hà Đông. Hàng chục vạn ngàn lượt khách trong và ngoài nước, mỗi năm đã đến tham quan, mua sắm tại làng nghề cổ truyền này. 

Năm 2011, lụa Vạn Phúc được phong tặng " thương hiệu vàng Thăng Long”. Tháng 11/2013, làng nghề lụa Vạn Phúc cũng có tên trong danh sách 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội cần được bảo tồn.

Làng Vạn Phúc vốn có tên Vạn Bảo, do kỵ húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Theo truyền thuyết, cách đây hơn 1100 năm, bà A Lã Thị Nương là vợ của Thái thú Giao Chỉ, từng sống ở đây đã dạy dân cách làm ăn, truyền nghề dệt lụa. Sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng.

 

Nguồn: VnExpress

CÁC BÀI VIẾT NỔI BẬT

Các sản phẩm đặc biệt